Bệnh vảy nến là bệnh da thường gặp trên thế giới cũng như tại Việt Nam, xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Đây là bệnh mạn tính, hiện chưa thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên nếu phát hiện sớm, tuân thủ điều trị, hạn chế các yếu tố nguy cơ, thực hiện chế độ sinh hoạt và ăn uống điều độ... có thể giúp kiểm soát bệnh và ngăn ngừa được các biến chứng nặng nề.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hào, Bệnh viện Da liễu TP HCM cho biết, hiện nay chưa có một chế độ ăn chuyên biệt nào dành riêng cho bệnh nhân vảy nến vì hầu hết nghiên cứu vẫn chưa xác định được mối liên hệ giữa chế độ ăn và bệnh. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân nhận thấy có một số thực phẩm làm triệu chứng bệnh nặng hơn trong khi một số thực phẩm khác lại làm giảm tình trạng viêm do vảy nến. Các nghiên cứu cho thấy rằng bệnh nhân vảy nến béo phì có nguy cơ bị vảy nến nặng và tiến triển thành vảy nến khớp, cũng như xuất hiện các bệnh khác liên quan đến vảy nến như tim mạch, tiểu đường. Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh vảy nến cần thực hiện chế độ ăn hợp lý, kết hợp với tập thể dục thường xuyên để duy trì cân nặng vừa phải nhằm giảm mức độ nặng của vảy nến và hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý có liên quan.

5 nhóm thực phẩm nên có trong chế độ ăn của bệnh nhân vảy nến

1. Chất chống oxy hóa

Xoài giúp giảm vẩy nến

Có trong các loại trái cây như nho và bưởi, các loại đậu, quả hạch, mơ, nho khô, mận, ngũ cốc, cây đinh hương, cây quế. Chất này cần thiết để ngăn cản sự hình thành leukotriene, đây là thủ phạm khiến vảy nến nặng hơn.

2. Folate

Có trong ngũ cốc, đậu lăng, lúa mì, đậu Hà Lan, cây bông cải xanh, cải bắp, giá và nước cam. Folate giúp phân chia tế bào da cho một làn da khỏe mạnh.

3. Beta carotene

Có trong cà rốt, rau lá xanh, quả mơ, xoài. Beta carotene giúp chuyển hóa vitamin A trong cơ thể, điều này cần thiết cho làn da khỏe mạnh.

4. Kẽm

Có trong sò và các thực phẩm có ngũ cốc. Thiếu kẽm thường thấy ở bệnh nhân vảy nến.

5. Axit béo omega -3

Có nhiều trong các loại cá như cá mòi, cá thu và cá hồi; hạt lanh, hạt hướng dương  và hạt mè... Axit béo Omega-3 giúp giảm nhu cầu sử dụng thuốc bôi steroid mà không làm tình trạng bệnh vảy nến xấu hơn.  

Bên cạnh đó, nên tránh một số loại thực phẩm sau:

- Họ cam quýt, cả trái cây lẫn nước ép.

- Đường, cả đường tinh luyện lẫn tự nhiên.

- Thực phẩm chiên xào lẫn chế biến sẵn như thịt hộp, thịt nguội...

- Thức ăn nhiều gia vị.

- Hạt tiêu.

- Chocolate.

- Trứng (một số bệnh nhân thấy trứng là một yếu tố khởi phát vảy nến, cần loại trừ, sau đó sử dụng lại và đánh giá).

- Chế độ ăn không có gluten (một loại protein có trong lúa mì và một số ngũ cốc) có thể tốt cho bệnh nhân dị ứng hay nhạy cảm với gluten.

- Rượu bia có thể gây những đợt bùng phát vảy nến vì kích thích sự phóng thích histamine làm nặng tổn thương da. Bệnh nhân vảy nến nên tránh sử dụng rượu bia hay chỉ uống ở mức vừa phải.

- Nên thay thế thịt đỏ bằng cá hồi, cá thu, cá mòi và sò ít nhất 3 lần một tuần. Ngoài ra, một số loại thức ăn có thể làm tăng hay giảm tác dụng của một số thuốc điều trị vảy nến. Người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ về loại thức ăn nào nên tránh khi đang sử dụng thuốc để đạt hiệu quả điều trị vảy nến tốt nhất.

Để biết thêm thông tin chi tiết về bệnh vảy nến, bạn vui lòng gọi hotline 0916 757 545 / 0916 755 060 hoặc tổng đài tư vấn miễn cước cuộc gọi 18006107.

Theo Lê Phương