Vảy nến là bệnh da phổ biến, chiếm khoảng 4% dân số. Tuy bệnh không nguy hiểm tính mạng nhưng cũng chưa thể điều trị vảy nến khỏi. Stress kéo dài là yếu tố gây khởi phát hoặc làm bệnh nặng thêm.

Thông tin trên được đưa ra tại buổi sinh hoạt của bệnh nhân vảy nến tại Bệnh viện Da liễu TP HCM nhằm kỷ niệm ngày vảy nến thế giới 29/10.

Bác sĩ Võ Quang Đỉnh cho biết, hiện nay bệnh vảy nến chưa thể chữa khỏi hoàn toàn. Chỉ có thể không chế và kéo dài thời gian thuyên giảm bệnh, ngăn ngừa các biến chứng, hạn chế ảnh hưởng xấu của bệnh đến chất lượng cuộc sống, đến tinh thần, tâm lý người bệnh. Đa số bệnh vảy nến diễn tiến mãn tính, kéo dài, không thể đoán trước. Khoảng 50% bệnh nhân có thể giảm tự nhiên và kéo dài trong một thời gian. Thời gian bệnh thuyên giảm thay đổi từ 1 năm đến vài chục năm. 

Theo bác sĩ Đỉnh, bệnh biểu hiện với những thương tổn da như từng mảng màu đỏ, tróc vảy dày từng mảng, giới hạn rõ, xuất hiện ở một hoặc nhiều vị trí trên cơ thể nhưng thường gặp ở vùng da đầu, cùi chỏ, đầu gối. Nguyên nhân của bệnh hiện vẫn chưa rõ. Tuy nhiên các yếu tố có thể gây khởi phát bệnh cũng như làm bệnh tiến triển nặng thêm là stress kéo dài, nhiễm trùng, do sử dụng thuốc corticosteroid, thuốc kháng viêm, hạ áp..., các chấn thương, chà xát mạnh, cào gãi, béo phì, thuốc lá, rượu bia, thay đổi thời tiết.

Bệnh vảy nến không lây, song có thể gây tổn thương nhiều vị trí trên cơ thể cũng như các cơ quan khác bên cạnh tổn thương da. Bệnh có thể gây biến chứng đỏ da toàn thân và vảy nến mủ do điều trị không đúng. Ngoài ra, bệnh cũng gây biến chứng tim mạch, dẫn đến nhồi máu cơ tim, rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, tăng lipid máu, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý và tinh thần người bệnh. 

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Phan Thúy, Bệnh viện Da liễu TP HCM cảnh báo, cần phát hiện sớm biến chứng, cảnh giác với các dấu hiệu viêm khớp như khớp cứng, đau, nhất là buổi sáng khi thức dậy. Biến chứng này thường gặp ở 10-30% bệnh nhân vảy nến. Do đó cần điều trị sớm để phòng ngừa biến dạng khớp. 

Khi bị bệnh, cần trang bị kiến thức đầy đủ và thấu đáo về bệnh, tránh các yếu tố tác động xấu. Tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc bừa bãi.

Người bệnh vảy nến có thể tự chăm sóc da bằng cách tránh tắm gội bằng nước quá nóng. Nên dùng nước ấm cùng với chất rửa không chứa hương liệu. Chỉ sử dụng những sản phẩm chăm sóc da nhẹ, dịu. Nên mang găng khi tiếp xúc với hóa chất hay chất tẩy rửa. Tránh cào gãi vì có thể làm tổn thương da. Không bóc, cậy các thương tổn. Việc trầy xước hay những tổn thương da nhỏ do cọ xát có thể làm xuất hiện vảy nến, vì vậy nên mặc trang phục với chất liệu sợi tự nhiên như cotton.

Bác sĩ Thúy lưu ý, có thể kiểm soát ngứa bằng các thuốc kháng histamine, sử dụng chất làm mềm da và giữ ẩm, thuốc bôi corticosteroids, tắm bằng các sản phẩm từ yến mạch, chườm lạnh bằng túi đá, băng kín thương tổn...

Ngoài ra, cần biết cách chế ngự và giảm stress, lưu ý chế độ ăn uống thích hợp, không thức khuya, ngủ đủ giấc, tập thể dục thể thao mỗi ngày, tham gia các lớp giúp giảm stress, tư vấn cùng bác sĩ tâm lý nếu cần.

Để biết thêm thông tin chi tiết về bệnh vảy nến, bạn vui lòng gọi hotline 0916 757 545 / 0916 755 060 hoặc tổng đài tư vấn miễn cước cuộc gọi 18006107.

Theo Vnexpress